Kể từ khi Tesla tuyên bố không chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin (BTC) nữa vì lý do quan ngại ảnh hưởng tới môi trường, dường như mọi người bỗng chốc trở nên quan ngại hơn về vấn đề tiêu thụ điện năng của tiền điện tử. 

Điện là một trong những thành tố quan trọng trong hoạt động đào Bitcoin. Trong bối cảnh ứng dụng và tỷ giá của Bitcoin ngày càng tăng mạnh, chúng ta cũng kỳ vọng lượng tiêu thụ điện năng của Bitcoin cũng tăng theo. Viễn cảnh này đặt ra nhiều câu hỏi về mối liên hệ giữa hoạt động đào coin và khí thải các-bon. 

Vậy hoạt động đào Bitcoin tiêu thụ bao nhiêu năng lượng và có thực sự gây hại cho môi trường hay không?

Tại sao hoạt động đào coin lại cần năng lượng

Hoạt động đào BTC thực chất là cập nhật các giao dịch trên sổ cái minh bạch hay blockchain. Khi giải thành công các thuật toán mật mã phức tạp, các thợ đào sẽ nhận được phần thưởng là Bitcoin. Đó là bản chất của cơ chế đồng thuận bằng chứng công việc (PoW) của Bitcoin

Thông qua bản chất phi tập trung, tức là không dựa vào bất cứ bên trung gian và không bị ảnh hưởng bởi bất cứ hư hỏng tại một điểm (SPOF) nào, cơ chế PoW đảm bảo an toàn cho mạng lưới. Tuy nhiên, khi giá Bitcoin tăng cao thì ngày càng có nhiều sự cạnh tranh hơn trong công việc sử dụng lượng lớn năng lượng để giải các thuật toán phức tạp và nhận thưởng này.  

Đó là lý do tại sao những cơ sở đào Bitcoin hay những kho xưởng lớn lấp đầy những máy tính đã và đang mọc lên như nấm trên toàn thế giới. Những kho xưởng này cho phép thợ đào tăng tỉ lệ hàm băm, hàm băm càng cao thì cơ hội để họ trở thành người đầu tiên giải được thuật toán càng lớn. Tất nhiên điều này cũng đồng nghĩa với lượng điện năng tiêu thụ tăng mạnh. 

Quan ngại chính của những nhà hoạt động môi trường là quy trình đào coin có thể trở nên kém hiệu quả hơn khi giá tiền điện tử tăng. Nếu giá tiếp tục tăng cao, mạng lưới sẽ cần nhiều hiệu năng tính toán và năng lượng hơn để có thể xử lý số lượng giao dịch lớn. 

Ngoài vấn đề tiêu thụ điện năng ra thì hoạt động đào Bitcoin còn sản sinh ra một lượng chất thải điện tử đáng kể. Đặc biệt là với những mạch tích hợp chuyên dụng (ASIC) – phần cứng chuyên dụng để đào những đồng coin phổ biến nhất trong thị trường tiền điện tử. Khác với những phần cứng máy tính khác, ASIC không thể được sử dụng cho mục đích nào khác – tức là chúng hoàn toàn có thể trở thành đồ bỏ. 

Tăng hiệu suất đào và lợi nhuận

Khi quyết định trở thành một thợ đào, người ta sẽ cân nhắc tới phần cứng, phần mềm, kết nối internet và giá điện. 

Sau một vài sự kiện phân nửa Bitcoin, giờ đây thợ đào còn mong muốn tối ưu hóa lợi nhuận đào coin hơn nữa. Đó là lý do vì sao bạn thấy nhiều người di chuyển tới những quốc gia khác nhau chỉ để trở thành thợ đào. Họ tìm kiếm những nơi có khí hậu mát mẻ, kết nối internet mạnh và giá điện rẻ. 

Bằng cách tìm ra sự cân bằng giữa những yếu tố này, họ có thể tìm thấy những địa điểm lý tưởng để đào coin như Nga, Estonia, Canada, vân vân. Điều này sẽ tối ưu hóa lợi nhuận và bù lại các khoản lỗ cho họ. 

So sánh lượng tiêu thụ năng lượng của Bitcoin

Giờ chúng ta đã biết rằng hoạt động đào BTC sử dụng nhiều năng lượng, tuy nhiên thực sự thì quy trình này tiêu tốn bao nhiêu năng lượng?

Để tính toán, hãy thử lấy ví dụ về một số quốc gia và đơn vị điện năng terawatt/giờ (TWh) mà họ sử dụng:

Theo một báo cáo của BBC, Bitcoin tiêu thụ khoảng 121,36 TWh một năm – nhiều hơn cả nước Argentina. Mặc dù lượng điện năng này còn khá nhỏ so với những cường quốc như Trung Quốc và Mỹ, rõ ràng là không thể xem nhẹ con số này. 

Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý ở đây là không thể suy ra lượng khí thải các-bon từ thống kê lượng điện năng mà Bitcoin tiêu thụ. Ví dụ, một đơn vị năng lượng thủy điện có ảnh hưởng tới môi trường ít hơn là một đơn vị năng lượng than đá. 

Ngoài ra, mạng lưới Bitcoin tiêu thụ ít hơn 10% lượng điện năng so với hệ thống ngân hàng truyền thống. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng hệ thống ngân hàng phục vụ cho hàng triệu người trên toàn cầu. Giờ đây, việc so sánh cũng trở nên khó khăn hơn, chủ yếu là do…

Bitcoin có thể sử dụng các loại năng lượng khác nhau

Chúng ta cần nhớ rằng các thợ đào BTC không bắt buộc phải ở cố định tại một địa điểm nào cả, họ có thể tự do di chuyển tới những nơi có nhiều nguồn năng lượng. Trong hầu hết các trường hợp khác, người sử dụng năng lượng phải ở gần nơi sản xuất năng lượng. Bitcoin không bị điều này giới hạn và bởi vậy, đồng tiền này có thể tận dụng nhiều nguồn năng lượng khác nhau. 

Sự tổng hòa của nhiều nguồn năng lượng khác nhau mà thợ đào BTC sử dụng được gọi là hỗn hợp năng lượng. Việc tính toán năng lượng tiêu thụ của Bitcoin là khá đơn giản, bạn có thể suy luận ra dựa vào tỉ lệ hàm băm của BTC. Tuy nhiên việc tính toán lượng khí thải các-bon lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Để xác định được con số này, chúng ta sẽ phải có trong tay chỉ số hỗn hợp năng lượng chính xác, và chỉ số này rất khó để tính toán. Lý do là bởi các thợ đào thường có tâm lý tránh nói về hoạt động đào coin của họ, phần khác là bởi phần trăm năng lượng tái tạo của mà mỗi thợ đào sử dụng lại khác nhau. 

Ngoài ra, việc xác nhận giao dịch tiêu thụ ít năng lượng hơn là hoạt động đào. Sau khi một đồng coin được đào, việc xác nhận giao dịch sẽ tiêu tốn ít năng lượng hơn. Điều này đồng nghĩa với việc khó có thể kết luận hoạt động đào coin đã tiêu thụ chính xác bao nhiêu năng lượng. 

Một lý do khác khiến việc tính khí thải các-bon trở nên khó khăn là có những hoạt động đào Bitcoin sử dụng năng lượng sạch và năng lượng tái tạo. Hãy thử lấy El Salvador làm ví dụ. Gần đây, công ty điện địa nhiệt thuộc sở hữu của El Salvador là La Geo đã công bố rằng họ bắt đầu nghiên cứu về việc lấy năng lượng từ các núi lửa để đào Bitcoin. Họ làm việc trực tiếp với tổng thống của El Salvador để “lên kế hoạch cho các cơ sở đào Bitcoin với mức giá rẻ, 100% năng lượng sạch và tái tạo, không có khí thải các-bon” thông qua việc tận dụng các ngọn núi lửa. 

Ngoài El Salvador, các thợ đào ở những nơi khác cũng đang nghiên cứu về giải pháp năng lượng sạch. Tại một cơ sở tách biệt tại Siberia, một trung tâm dữ liệu của Nga đang khai thác nguồn năng lượng rẻ và dồi dào từ các con đập để đào Bitcoin. Trung tâm dữ liệu này cũng tạo ra các cơ sở khác trong khu vực với những nguồn năng lượng tái tạo và điện năng dồi dào. Theo ước tính, hoạt động đào coin bằng thủy điện tại Nga chiếm 7% trên tổng số tất cả các hoạt động đào toàn cầu.

Một giải pháp hứa hẹn khác cho hoạt động đào coin mà không thải nhiều các-bon là khí đốt tự nhiên. Quá trình khai thác dầu giải phóng một lượng lớn sản phẩm phụ là khí tự nhiên. Khí đốt tự nhiên này thực chất là năng lượng gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên năng lượng này bị phung phí và không được tận dụng. Loại năng lượng này không thể được sử dụng trong những ứng dụng truyền thống bởi chúng tập trung ở những địa điểm khai thác dầu hẻo lánh và xa xôi.

Tuy nhiên có thể đây lại là giải pháp cho những thợ đào không bị giới hạn bởi vị trí địa lý và họ có thể tới những nơi có thừa nguồn năng lượng. 

Một tương lai xanh hơn

Một tương lai xanh hơn

Mặc dù Bitcoin tiêu thụ lượng năng lượng lớn, nhiều người tin rằng trong tương lai, hoạt động đào coin sẽ trở nên thân thiện với môi trường hơn. Kết quả là cả BTC và công nghệ blockchain đều đã thu hút được sự chú ý của những nhà đầu tư nhỏ lẻ và tổ chức đầu tư. 

Trong bối cảnh ứng dụng của tiền điện tử ngày một gia tăng, người ta chắc chắn sẽ lại nêu ra vấn đề về dấu chân các-bon của Bitcoin. Tuy nhiên những cuộc tranh luận này không còn mang ý nghĩa tiêu cực nữa. Bởi khi một vấn đề được càng nhiều người biết tới đồng nghĩa với việc có càng nhiều người bắt tay vào tìm ra giải pháp cho vấn đề đó.

Ở thời điểm hiện tại, các chỉ số thống kê vẫn còn lộn xộn, các bài báo thì chưa hẳn đã chính xác, một số thợ đào cũng chưa thẳng thắn về hoạt động đào coin của họ như ta kỳ vọng, và những người phản bác tiền điện tử vin vào đó mà đưa ra những lập luận vô căn cứ. Trong guồng quay của những thông tin này, có một điều mà ta biết chắc chắn, đó là: còn có nhiều góc nhìn khác cần phải được xem xét khi nói về mỗi liên hệ giữa Bitcoin và lượng năng lượng tiêu thụ, khí thải các-bon. Trong tương lai, chúng ta sẽ biết cách những người trong cuộc cải thiện hệ thống như thế nào. Ai mà biết được phải không, có thể trong tương lai tiền điện tử sẽ được đào với 100% năng lượng sạch.