Nắm bắt được thời điểm mua tốt nhất không phải là chuyện đơn giản. Bởi các tài sản này có tính biến động mạnh, mức giá của chúng có thể tăng hoặc giảm cực nhanh vào bất kỳ thời điểm nào. Đây cũng là lý do tại sao nhà đầu tư trong lĩnh vực tiền điện tử phải đối mặt với hội chứng FOMO hay còn gọi là sợ bỏ lỡ.

FOMO là cảm xúc của nhà đầu tư khi mức giá của đồng tiền điện tử như Bitcoin (BTC) đột nhiên tăng hoặc giảm mạnh. Khi giá tiền điện tử giảm, nhiều người có xu hướng bán tháo trong hoảng loạn bởi họ lo sợ rằng sẽ mất thêm tiền. Cảm xúc có sức mạnh chi phối nhà đầu tư này cũng hiện diện khi giá tiền điện tử tăng mạnh, khi đó, nhiều người nghĩ rằng họ không có đủ số coin để nắm giữ hoặc để bán.

Thực tế cho thấy việc ra quyết định mua hay bán một đồng tiền điện tử tại một thời điểm nào đó là vô cùng phức tạp. Tuy nhiên, nếu bạn nhìn vào bức tranh tổng quan dài hạn và muốn tìm thấy các cơ hội tài chính từ tiền điện tử mà không phải lo lắng về biến động của thị trường, thì có lẽ bạn sẽ muốn thử cân nhắc chiến thuật trung bình chi phí đô-la (DCA). Tuy nhiên trước khi bắt đầu, chiến thuật trung bình chi phí đô-la này là gì, và chiến thuật này hoạt động thế nào trong lĩnh vực tiền điện tử? Hãy cùng đào sâu tìm hiểu.

Trung bình chi phí đô-la là gì?

Trung bình chi phí đô-la hay còn được gọi là kế hoạch đô-la bất biến, là chiến thuật mà bạn chia tổng số tiền đầu tư thành nhiều phần nhỏ để mua trong một khoảng thời gian nhất định. Chiến thuật này ngược hẳn với việc bạn tất tay dốc hết tiền để mua tài sản trong một lần. Với chiến thuật này, bạn sẽ bỏ tiền ra để mua tài sản theo định kỳ, mặc cho mức giá của tài sản trên thị trường có như thế nào đi nữa.

Chiến thuật này rất phổ biến đối với những nhà đầu tư muốn sở hữu tài sản nhất định nào đó trong dài hạn, ví dụ như hàng hóa, tiền điện tử, chứng khoán và nhiều hơn nữa.

Vậy DCA hoạt động thế nào trong lĩnh vực tiền điện tử?

Điều đầu tiên bạn cần làm là quyết định số tiền muốn đầu tư. Với cách thức đầu tư thông thường, bạn dồn toàn bộ số tiền muốn đầu tư vào một tài sản nhất định. Tuy nhiên với trung bình chi phí đô-la, bạn đầu tư một khoản đô-la (USD) cố định vào BTC hay bất cứ đồng tiền điện tử mong muốn nào khác trong một khoảng thời gian nhất định. Một ví dụ đơn giản cho chiến thuật này là bạn sẽ mua khoản BTC có trị giá 15 USD mỗi tuần trong một năm.

Cần lưu ý rằng việc lựa chọn đồng tiền điện tử nào để DCA là vô cùng quan trọng. Hiện tại có hơn 12.000 đồng tiền điện tử trên thị trường. Chiến thuật bình quân chi phí đô-la sẽ được thực hiện trong một khoanrgg thời gian dài, bởi vậy, hãy lựa chọn đồng coin mà bạn tin rằng sẽ phát triển trong dài hạn và giúp bạn tối ưu hóa được thời gian và vốn đầu tư của mình.

Sau đây là một ví dụ khác để giúp bạn hiểu hơn về cách chiến thuật DCA hoạt động:

Giả sử giờ đang là Tháng 1 năm 2020, Claude quyết định mua khoản BTC có trị giá 1.020 USD. Tại thời điểm đó, giá Bitcoin đang vào khoảng 7.100 USD. Thay vì sử dụng toàn bộ số tiền của mình để mua trong một lần, Claude đã thử bình quân chi phí đô-la Bitcoin trong 12 tháng.

Mỗi tháng từ tháng 1 2020 tới tháng 12 2020, Claude liên tục mua khoản BTC có trị giá 85 USD bất kể giá của tài sản này có tăng hay giảm đi chăng nữa. Sau một năm, thu nhập của anh ấy như sau:

Giá trị danh mục đầu tư theo chiến thuật trung bình chi phí đô-la theo thời gian

Nguồn: dcabtc.com
Giá trị danh mục đầu tư theo thời gian

Đường màu xanh trong biểu đồ biểu thị tổng số tiền Claude đã đầu tư. Ngược lại, đường màu cam biểu thị biến động giá trị của BTC trong khoảng thời gian đầu tư dài 12 tháng. Vào thời điểm bắt đầu đầu tư, giá trị của BTC và số tiền anh ấy bỏ ra ở cùng một khoảng giá là 85 USD. Tuy nhiên sau nhiều tháng, giá Bitcoin bắt đầu biến động theo các chiều hướng khác nhau.

Vào cuối năm, khoản đầu tư 1.020 USD vào BTC của Claude đã có tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc là 91,19% thành 1.950 USD.

Công cụ được sử dụng để tính toán thu nhập tiềm năng của Claude đã tham khảo tỷ giá lịch sử của BTC. Từ đó giúp xác định số satoshi hay số BTC mà anh ấy đã sở hữu tại thời điểm đó.

Bạn cũng có thể tham khảo các công cụ DCA trực tuyến để biết thu nhập mà mình có thể kiếm được khi đầu tư đều đặn vào Bitcoin. Ví dụ công cụ dcaBTC cho phép bạn tùy chỉnh các cài đặt DCA và đặt số tiền muốn mua, tần suất mua và thời gian đầu tư.

Lợi ích và hạn chế của chiến thuật trung bình chi phí đô-la

Giống như bất cứ hoạt động nào trong lĩnh vực tiền điện tử, chiến thuật trung bình chi phí đô-la cũng có mặt lợi và hạn chế riêng. Sau đây là một số điều bạn cần biết trước khi bắt đầu kế hoạch DCA của mình.

Hãy bắt đầu với những mặt lợi khi sử dụng chiến thuật DCA. Bởi bạn lựa chọn cách đầu tư nhất quán nhiều khoản tiền nhỏ trong một khoảng thời gian nhất định, bạn có thể ngăn ngừa những sai lầm có thể xảy ra khi đầu tư tất tay, ví dụ như không suy nghĩ thấu đáo. Và bởi những lần mua coin của bạn đã được lên lịch từ trước, bạn có thể tránh gặp phải FOMO không đưa ra những quyết định đầu tư dựa trên cảm xúc, bạn không còn phải lo lắng về những biến động giá đột ngột.

Sàn giao dịch tiền điện tử và chợ điện tử thu phí mỗi giao dịch bạn thực hiện. Mặc dù nghe có vẻ là bạn sẽ trả nhiều phí giao dịch hơn khi DCA, tuy nhiên hãy nhớ rằng chiến thuật bình quân chi phí đô-la là dài hạn. Các khoản phí bạn trả là không đáng kể so với thu nhập tiềm năng sau một vài năm.

Ngoài ra, bạn không cần một số tiền lớn để bắt đầu DCA. Đó là bởi cốt lõi của phương pháp này là mua tài sản đều đặn theo nhiều lần, bạn sẽ không cần lo lắng về việc bỏ ra một số tiền lớn ngay lập tức. Bạn cũng có thể mua được tiền điện tử ở mức giá thấp hơn nếu mức giá của tài sản giảm hoặc tụt mạnh tại thời điểm mua của bạn.

Ngược lại, bạn cũng có thể phải mua tiền điện tử ở các mức giá cao hơn nếu giá trị tài sản tăng vọt tại thời điểm mua đã định trước. Điều này đặc biệt đúng khi BTC hoặc các đồng tiền điện tử bạn chọn đang trong thị trường bò. Nhiều tín đồ tiền điện tử và nhà đầu tư thường lựa chọn dốc hầu bao và chi hết số tiền đầu tư trong một lần bởi họ sợ rằng mức giá sẽ tăng cao hơn nữa trong những giờ, ngày, tuần hoặc thậm chí là tháng tiếp theo.

Chúng tôi cũng đã đề cập trước đó rằng bạn mua lượng coin nhỏ tại những thời điểm đã lên lịch trước, trong một khoảng thời gian DCA nhất định. Điều này có nghĩa là bạn sẽ mua một phần của tiền điện tử kể cả khi thị trường đang ổn định, tăng mạnh hoặc lao dốc.

Vậy có đáng để thử trung bình chi phí đô-la không?

DCA hướng tới việc giúp bạn tối ưu hóa lợi nhuận từ crypto mà không gặp phải quá nhiều rủi ro. Mặc dù có một số hạn chế, phương pháp này cũng mang lại nhiều lợi ích cho bạn trong quá trình thực hiện.

Vậy có đáng để bỏ thời gian và tiền bạc cho chiến thuật trung bình chi phí đô-la vào crypto không? Quyết định nằm ở bạn, hãy tự nghiên cứu để tìm hiểu thêm về phương thức này và thử nghiệm. Bạn cũng có thể lưu lại bài viết này trên trình duyệt để xem lại thông tin bất cứ khi nào cần. Chúc bạn may mắn!

* Nội dung này chỉ phục vụ mục đích cung cấp thông tin. Bạn không nên coi bất cứ thông tin hoặc tài liệu nào như lời khuyên về mặt pháp lý, thuế, đầu tư, tài chính hoặc bất cứ tư vấn nào khác. Cần tham khảo ý kiến ​​của một chuyên gia đủ khả năng trước khi đưa ra các quyết định tài chính.