Ethereum (ETH) sở hữu một trong những hệ sinh thái tiền điện tử hoạt động năng nổ nhất trên thế giới, điều này thể hiện rõ trong cách cộng đồng này luôn không ngừng cải thiện.

Chắc hẳn bạn cũng vô cùng tò mò về các cột mốc đáng nhớ trong lịch sử Ethereum, hãy cùng chúng tôi nhìn lại những đợt Ethereum hard fork quan trọng nhất. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ đề cập tới những đợt fork sắp diễn ra và những gì bạn có thể trông chờ từ đồng tiền điện tử này. Tuy nhiên trước đó, hãy định nghĩa một hard fork là gì. 

Cập nhật những thông tin quan trọng nhất về một hard fork

Bạn có thể hiểu chung chung rằng hard fork giống như một bản cập nhật cho ứng dụng trên di động giúp mang lại những tính năng hấp dẫn mới. Tuy nhiên, những bản cập nhật này có thể mang tính chủ quan, nghĩa là mỗi người lại có những ý kiến khác nhau về chúng. Chính vì vậy mà có những người không cập nhật ứng dụng để có thể sử dụng phiên bản cũ. Mặc dù họ hài lòng với quyết định không cập nhật phiên bản mới, những ai muốn dùng phiên bản cũ chắc chắn sẽ không thể sử dụng toàn bộ các tính năng của ứng dụng. 

Lĩnh vực tiền điện tử cũng giống như vậy. Hard fork là những phân nhánh vĩnh viễn trên chuỗi khối, có nghĩa là các giao dịch trên chuỗi mới sẽ không còn có thể được chấp thuận trên chuỗi cũ nữa. Hãy thử lấy ví dụ rằng bản cập nhật sẽ thay đổi kích thước của khối từ 2MB lên thành 4MB, từ đó tạo ra một đồng tiền điện tử mới trong quá trình nâng cấp. Nếu người dùng cố gắng đẩy khối có kích thước 3MB lên chuỗi cũ, hành động này sẽ bị từ chối. 

Ví dụ rõ ràng nhất của một hard fork là Bitcoin Cash (BCH) diễn ra vào năm 2017. Tại thời điểm đó, các nhà phát triển mong muốn cải thiện khả năng mở rộng của Bitcoin (BTC), bởi vậy họ đã đề xuất nâng kích thước của khối. Nhiều người không đồng tình với cập nhật này và tiếp tục hoạt động trên chuỗi cũ, Bitcoin tiếp tục vận hành trên chuỗi cũ trong khi nhiều người lại chuyển qua sử dụng chuỗi BCH.

Hard fork đáng chú ý nhất của Ethereum

Kể từ thời điểm ra đời vào giữa năm 2015, Ethereum đã có một số hard fork nổi bật:

Ethereum Classic (ETC)

Ethereum Classic là fork đầu tiên của Ethereum. Đây cũng là sự kiện gây ra nhiều tranh cãi nhất. 

Vào giữa năm 2016, một lỗi bảo mật trong hợp đồng DAO (tổ chức tự trị phi tập trung) đã bị lợi dụng. Kết quả là khoảng 3,6 triệu ETH đã bị rút khỏi thị trường. Khoản tiền này đã bị đóng băng trong 28 ngày trước khi chuyển đi dựa vào cơ chế hoạt động của hợp đồng. 

Trong trường hợp này, hard fork sẽ được tiến hành để đội ngũ phát triển có thể xử lý nhanh chóng vụ hack và lấy lại tiền. EIP 779 đã được thực hiện để tất cả mọi người có thể rút ETH khỏi hợp đồng DAO. Nếu không có biện pháp nào được thực hiện, ai đó sẽ có thể một mình sở hữu 4,4% tổng lượng cung của ETH tại thời điểm đó. 

Đề xuất này đã chia cắt cộng đồng Ethereum thành hai nhóm ý kiến trái chiều. Nhóm đầu gồm những người hài lòng vì nhóm phát triển đã thực hiện biện pháp can thiệp kịp thời. Có nghĩa là thông qua vụ việc lần này, các nhà phát triển đã có thêm kinh nghiệm và có thể chuẩn bị tốt hơn nếu một sự việc tương tự như vậy xảy ra lần nữa. 

Trường phái ý kiến thứ hai là những người không đồng tình với fork của Ethereum, họ tranh luận rằng những cập nhật của mạng lưới sẽ làm ảnh hưởng xấu tới tính phi tập trung. Đây là những người tin rằng để tiền điện tử hoàn toàn được phi tập trung, nhóm phát triển chỉ cần thuận theo những diễn biến tự nhiên trên thị trường. Họ cho rằng ngay khi có hành động can thiệp nào diễn ra, một chuỗi hiệu ứng đô-mi-nô sẽ xảy ra và hủy hoại tương lai của tiền điện tử. 

Sau cùng thì các nhà phát triển đã quyết định thực hiện hard fork và chuỗi khối cũ đã trở thành Ethereum Classic

Ether Zero (ETZ)

Dù cho Ether Zero không gây tranh cãi nhiều như ETC, đây cũng là một fork rất nổi tiếng. 

Như được đề cập trên trang web của họ, dự án này được một nhóm những người am hiểu công nghệ khởi tạo để mang lại một nền tảng tốt hơn cho các ứng dụng phi tập trung (dApps) và triển khai các hợp đồng thông minh. 

Điều khiến ETZ khác biệt so với các đợt fork khác là thay vì hướng tới việc cải thiện tốc độ giao dịch, đội ngũ phát triển đã quyết định làm cho các giao dịch hoàn toàn miễn phí

Metropolis

Ethereum Metropolis là fork đang diễn ra hiện nay, giống như ETZ, sự kiện này hướng tới việc tiếp tục cải thiện những gì mà ETH đang phát triển. 

Metropolis bao gồm ba chặng khác nhau: Byzantium (đã hoàn thiện), Constantinople (đang thực hiện) và sau đó là Serenity (sẽ tiến hành sau). 

Mục tiêu chủ yếu của Constantinople là cải thiện hai tính năng: 

Đầu tiên là cải thiện quyền riêng tư. Tuy nhiên xin đừng hiểu lầm, tùy chọn và cài đặt bảo mật hiện tại của Ethereum không hề tệ. Dù vậy, những tính năng mới này vẫn sẽ cải thiện đáng kể khía cạnh bảo mật cho ETH. Từ đó mang lại mức độ bảo mật tốt hơn khi thực hiện giao dịch. 

Tính năng then chốt thứ hai cũng vô cùng quan trọng: chuyển đổi từ hệ thống Bằng chứng Công việc (PoW) thành Bằng chứng Cổ phần (PoS). Mặc dù quá trình chuyển đổi này sẽ không hoàn thành trong giai đoạn này, cả Byzantium và Constantinople đều được coi là hai giai đoạn chuẩn bị trọng yếu cho bước chuyển mình quan trọng này. 

Việc chuyển sang hệ thống PoS sẽ loại bỏ quy trình đào coin và thay thế bằng một hệ thống cho phép bạn đặt cọc một vài đồng ETH của mình để có thể xác minh giao dịch trên mạng lưới. 

Serenity/Ethereum 2.0

Được biết tới là Ethereum 2.0, Ethereum Serenity à bước quan trọng cuối cùng trong sự phát triển của đồng tiền điện tử này. Mục tiêu mà Serenity hướng tới chỉ có một, đó là hoàn thiện quá trình chuyển đổi từ hệ thống PoW thành PoS. 

Serenity là một dấu mốc lớn vì sẽ thay đổi hoàn toàn hệ sinh thái Ethereum. Theo như bản đồ phát triển, Ethereum sẽ đạt tới trạng thái “PoS thuần khiết” trong năm 2021. 

Tương lai Serenity mang lại

Có thể khẳng định chắc chắn rằng tất cả hard fork của Ethereum đều đóng vai trò quan trọng trong thành công của ETH ở thời điểm hiện tại. Với việc những bản cập nhật tiếp theo mang lại hệ thống PoS cực kỳ đáng kỳ vọng, tương lai của Ethereum dường như rất sáng sủa. Tuy nhiên, chúng ta chưa thể biết được rằng việc này ảnh hưởng thế nào tới lĩnh vực tiền điện tử. 

Chúng ta không biết được điều gì sẽ xảy ra ngay sau khi Ethereum 2.0 hoạt động. Có thể ta sẽ chứng kiến một loạt những dụng cụ đào coin bị bỏ đi trong bối cảnh hệ thống PoS khiến chúng trở nên lỗi thời. Chắc chắn rằng người dùng trong mạng lưới sẽ cần thời gian để thích nghi với những thay đổi này. Tuy nhiên họ cũng sẽ tìm những cơ hội mới: bán những công cụ đào, khởi tạo các đồng tiền điện tử mới hoặc thậm chí quên hoàn toàn Ethereum. 

Viễn cảnh các thợ đào hoàn toàn rời bỏ Ethereum có vẻ khá nản lòng, tuy nhiên đó cũng là lý do mà đội ngũ phát triển Ethereum đã chuẩn bị trong một thời gian dài cho bước chuyển đổi này. Về việc bản cập nhật này sẽ được đón nhận như thế nào, chỉ có thời gian mới có thể mang lại câu trả lời chính xác cho chúng ta. 

*Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Nội dung của bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin. Các ý kiến đưa ra trong đây không phải lời khuyên tài chính, đầu tư hay bất cứ lời khuyên nào khác cũng như không đại diện cho ý kiến của Paxful.