Đợi đã… cái gì được bán với giá bao nhiêu cơ?

Bạn có còn nhớ thời điểm mà việc mua tiền điện tử là xu hướng kỳ lạ nhất trên mạng trực tuyến không? Đó chỉ còn là chuyện của quá khứ thôi. Ngôi vị này đã được NFT hay token không thay thế được (non-fungible token) chiếm lĩnh. 

Vậy xu hướng này kỳ lạ tới mức nào? Jack Dorsey, đồng sáng lập và CEO của Twitter đã bán dòng tweet đầu tiên của ông với giá 2,9 triệu USD. Alexander M. Ramirez-Mallis, một nhà làm phim tại Brooklyn, đã bán đoạn ghi âm 52 phút “xì hơi” của mình với giá 420 USD. Chắc chắn NFT của Alexander không có giá bằng dòng tweet của Jack Dorsey, tuy nhiên chúng đều là những thứ vô thưởng vô phạt để dốc hầu bao vào. 

Vậy thì token không thể thay thế là gì, tại sao người ta lại bỏ ra số tiền lớn đến choáng ngợp để mua chúng?

Thế giới NFT kỳ diệu

Cách đơn giản nhất để định nghĩa một token không thể thay thế là tìm hiểu về định nghĩa của tính có thể thay thế. Về căn bản, tính có thể thay thế là đặc tính riêng của một tài sản, cho phép chúng có thể được hoán đổi cho một tài sản tương tự: tờ 100$ của tôi có giá trị tương đương tờ 100$ của bạn. Thậm chí kể cả khi chúng ta trao đổi hóa đơn thì sau cùng chúng đều có giá trị tiền tệ tương đương nhau. Tiền điện tử cũng giống như vậy: 1 BTC của tôi có giá trị ngang 1 BTC của bạn. Điều này có nghĩa là cả tiền pháp định và tiền điện tử đều có thể được thay thế: 1 BTC sẽ luôn bằng 1 BTC, 1 ETH sẽ luôn bằng 1 ETH, vân vân. Tính chất này giúp chúng trở thành những token hữu hiệu để trao đổi. 

Ngược lại, NFT tạo ra bước đột phá bằng cách tạo ra những token độc nhất và không thể thay thế. Chúng là những tài sản mật mã độc nhất trên chuỗi khối, với các đoạn mã định danh và siêu dữ liệu đặc biệt để giúp phân biệt chúng với những NFT khác. Tức là token không thể thay thế của tôi có thể không bao giờ có cùng giá trị với của bạn, dù cho chúng có giống nhau ra sao đi chăng nữa. Chúng là phiên bản điện tử của tài sản và theo một cách nào đó thì giống như những tấm hộ chiếu số bởi mỗi NFT đều có một mã độc nhất. Mã này không thể được chuyển cho tài sản khác và giúp ta phân biệt các NFT với nhau. Những token này cũng có thể được mở rộng. Tức là trong một số trường hợp, bạn có thể kết hợp hai NFT để tạo ra một token không thể thay thế thứ ba. 

Giống như BTC, token không thể thay thế cũng chứa những thông tin về quyền sở hữu. Điều này giúp việc nhận diện và chuyển giao quyền sở hữu token dễ dàng hơn. Siêu dữ liệu và các đặc tính số của một NFT là lý do tại sao người ta sẽ muốn sở hữu chúng hơn là các đồ vật sưu tầm vật lý như thẻ NBA hay Pokemon. Các đồ sưu tầm vật lý có hàng tá các phiên bản làm giả với mức độ tinh vi khác nhau. Ngược lại, đồ sưu tầm phiên bản số sử dụng dữ liệu để truy vết lại người đầu tiên cung cấp chúng và vì vậy, việc làm giả NFT là không thể. 

Những loại token này được phát triển theo tiêu chuẩn ERC-721. Tiêu chuẩn này xác định giao diện tối thiểu của token bao gồm: thông tin quyền sở hữu, độ bảo mật và siêu dữ liệu – đây là những thông tin cần thiết để trao đổi và phân phối các token trò chơi. Tiêu chuẩn ERC-1155 là bản nâng cấp thêm, giúp giảm phí giao dịch và lưu trữ NFT, cũng như hợp nhất nhiều loại token không thể thay thế vào một hợp đồng duy nhất. 

Đặc tính quan trọng của token không thể thay thế

Ngoài tính độc nhất, loại tài sản NFT này còn có một số đặc tính riêng khác:

  • Không thể bị phá hủy – Tất cả dữ liệu đều được lưu giữ trên chuỗi khối thông qua hợp đồng thông minh, tức là token không thể bị gỡ bỏ, tạo bản sao hay phá hủy. 
  • Không thể phân tách – Không giống như Bitcoin, NFT không thể được chia thành nhiều đơn vị nhỏ hơn. Chúng tồn tại và được giao dịch độc quyền dưới dạng một vật phẩm trọn vẹn. 
  • Không thể được hoán đổi – Token này hoàn toàn khác biệt với tất cả những token khác. Ví dụ, Blockchain Heroes và Gods Unchained là những trò chơi trao đổi thẻ quà điện tử nơi bạn có thể nhận được NFT từ các bộ thẻ điện tử. Bởi tính không thể hoán đổi, bạn không thể sử dụng một thẻ từ Blockchain Heroes trên Gods Unchained. 
  • Quyền sở hữu bất biến – Khi mua một token, bạn thực sự sở hữu chúng. Người hay công ty tạo ra token không còn có quyền sở hữu chúng. Khi mua nhạc trên cửa hàng iTunes, bạn không mua bài hát mà mua giấy phép để nghe chúng. Với các token không thể thay thế thì ngược lại, chúng hoàn toàn là của bạn để giao dịch hay sưu tầm. 
  • Có thể xác minh – Bạn có thể truy vết tranh điện tử để biết người tạo ra chúng là ai, tức là các tác phẩm này có thể được xác minh mà không cần tới một bên thứ ba. 

Thị trường NFT trong quá khứ và hiện tại

Ví dụ nổi tiếng nhất của token không thể thay thế hàng đầu là Cryptokitties, một trò chơi để thu thập và đẻ ra những “chú mèo” (kitties) điện tử. Mỗi chú mèo đều là độc nhất và có giá riêng theo đơn vị Ethereum. Chúng có thể đẻ và tạo ra thế hệ mới có những đặc tính và định giá khác với bố mẹ. Với khởi điểm khiêm tốn từ tháng 11 năm 2017, trò chơi này đã nhận được khoảng 20 triệu USD tiền mua bán, cho ăn và nuôi dưỡng mèo từ người chơi. 

Hiện tại, thị trường cho những token này xoay quanh những vật phẩm sưu tầm: meme, tranh điện tử, thẻ thể thao và sự hiếm có. Một trong những ví dụ điển hình là NBA Top Shot, một trang web cho phép bạn mua các “khoảnh khắc” từ những trận bóng rổ NBA. Xếp hàng để mua các gói video số, mở chúng, thu thập và bán lại những khoảnh khắc đó. Trên thực tế, thị trường đã phát triển tới mức một số khoảnh khắc đã được bán với giá triệu đô.

Mặc dù các ứng dụng của NFT nghe có vẻ bình thường và không ấn tượng, tuy nhiên chúng ngày càng khẳng định được chỗ đứng khi trở thành tài sản kinh doanh. 

Lợi ích NFT mang lại

Mặc dù ý tưởng số hóa và gắn mã định danh độc nhất cho tài sản không mới, tuy nhiên khi kết hợp với công nghệ chuỗi khối và hợp đồng thông minh thì NFT thực sự có sức mạnh thay đổi những điều cố hữu và mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng. 

Một trong những lợi ích rõ ràng nhất của token không thể thay thế là hiệu quả khi đưa ra thị trường. Khi quy đổi các tài sản vật lý thành tài sản điện tử, các quy trình liên quan được đơn giản hóa và không cần tới sự tham gia của bên thứ ba. Ví dụ, một nghệ sĩ sẽ không cần tới sự trợ giúp của đại lý để bán tác phẩm của họ nữa, họ có thể kết nối trực tiếp với khán giả thông qua chuỗi khối. Đối với những vật phẩm sản xuất hàng loạt cũng vậy. Giả sử có một NFT cho một bình nước. Phiên bản điện tử của vật phẩm vật lý sẽ cho phép những bên tham gia trong chuỗi cung ứng tương tác với sản phẩm và theo dõi nguồn gốc, số lượng sản xuất và lượng bán của sản phẩm trong toàn bộ quá trình. 

Một lợi ích khác của những token này là quản lý danh tính. Bạn đã phải xuất trình hộ chiếu bao nhiêu lần tại sân bay? Giả sử chúng ta tạo ra một token cho hộ chiếu của mỗi người, mỗi token lại chứa các đặc tính định danh riêng. Nếu vậy, quy trình nhập cảnh và xuất cảnh sẽ trơn tru hơn rất nhiều. 

Các token không thể thay thế cũng có tiềm năng dân chủ hóa hoạt động đầu tư bởi chúng tạo điều kiện để chia các tài sản như bất động sản ra thành nhiều phần. Đối với trường hợp nhiều người đồng sở hữu một tài sản thì việc chia một tài sản bất động sản điện tử dễ hơn rất nhiều so với chia tài sản vật lý. Lợi ích này cũng có thể mở rộng qua các lĩnh vực khác. Ví dụ, có rất nhiều người sở hữu các tác phẩm hội họa phải không? Bạn có thể phân chia tác phẩm này thành các NFT và phân phối các phần của tác phẩm cho mình và những đồng sở hữu khác. 

Giờ hãy nói về lợi ích có lẽ là hấp dẫn nhất: kiến tạo nên các thị trường đầu tư mới. Ngày nay, nhà đầu tư bỏ vốn để tham gia vào nhiều thị trường khác nhau như thẻ bài, meme, ảnh kỹ thuật số, vân vân. Khi nói về nhà đầu tư, ta không còn chỉ gói gọn họ trong thị trường cổ phiếu và tiền điện tử nữa. Cũng bởi định nghĩa về một “nhà đầu tư” ngày càng rộng hơn, ta ngày càng thấy nhiều nhà đầu tư không chính thống xuất hiện. Sự chuyển dịch này là một xu hướng mang tính tích cực.

Để các ứng dụng NFT kể trên được đưa vào thực tiễn thì rõ ràng chúng ta cần phải thay đổi những quy định hiện hành. Tuy nhiên những ý tưởng trên cho thấy NFT có rất nhiều tiềm năng.

Giá trị của NFT phụ thuộc vào điều gì

Cũng giống như hầu hết các tài sản khác trên thị trường, giá trị của NFT phụ thuộc vào quy luật cung cầu. Bản chất các token này rất hiếm, và nguồn cầu từ gamer, nhà sưu tầm và nhà đầu tư là lý do khiến mọi người sẵn sàng trả tiền để sở hữu chúng. 

Token không thể thay thế cũng có tiềm năng sinh lời cho chủ sở hữu. Hãy thử lấy ví dụ về người chơi Decentraland – một nền tảng đất đai ảo để người dùng khám phá. Một người dùng đã quyết định mua 64 lô đất và hợp nhất chúng lại thành một bất động sản. Lô đất có tên “The Secret of Satoshi’s Tea Garden” (tạm dịch: Vườn trà bí mật của Satoshi) đã được bán với giá 80.000 USD vì nắm giữ địa điểm thuận tiện và giao thông dễ dàng, thật đáng kinh ngạc phải không?

Tương lai của NFT 

Token không thể thay thế là một phiên bản mở rộng từ khái niệm tiền điện tử. Các hệ thống tài chính hiện tại sử dụng hệ thống giao dịch và cho vay phức tạp, tùy vào loại tài sản khác nhau. NFT có thể là bước tiến lớn trong việc tái lập lại hệ thống tài chính truyền thống này. 

Hiện nay chúng ta đang chứng kiến sự nổi lên của các vật phẩm và tài sản sưu tầm, nó cho thấy sức mạnh thực sự của những token này. Đam mê của những nhà sưu tầm và gamer có thể là lý do đẩy mức giá tăng mạnh. Mặc dù nhiều người vẫn có cái nhìn quan ngại về token không thể thay thế nhưng ta không thể phủ nhận rằng tài sản này đã và đang có được nguồn cầu cần thiết và đủ không gian phát triển. 

*Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Nội dung của bài viết này chỉ phục vụ mục đích cung cấp thông tin. Các ý kiến đưa ra trong đây không phải lời khuyên tài chính, đầu tư hay bất cứ lời khuyên nào khác cũng như không đại diện cho ý kiến của Paxful.