Bạn đã bao giờ cảm thấy choáng ngợp bởi mạng truyền thông xã hội chưa? Bất cứ khi nào truy cập các nền tảng như Twitter hay YouTube, dường như ta chỉ thấy quảng cáo nối liền quảng cáo phải không? Với số lượng quảng cáo lớn như vậy, có thể bạn cũng nhận ra rằng mình phải cẩn trọng hơn với các chiêu trò lừa đảo. Và chúng tôi cá rằng nỗi lo này không phải của riêng bạn đâu.

Trong những năm gần đây, sự phát triển của mạng truyền thông xã hội đã mở lối cho nhiều chiêu trò lừa đảo tinh vi. Đó là bởi mạng truyền thông xã hội có khả năng tác động tới nhận thức của mọi người và thuyết phục họ về các khoản đầu tư “tiềm năng”. Bởi vậy, hãy thật cẩn trọng khi tiếp nhận nội dung từ những người có tầm ảnh hưởng trong lĩnh vực tiền điện tử, cũng như bất cứ lời hứa nào đại loại như bạn sẽ giàu to khi đầu tư vào altcoin này. Một số chiêu trò này được gọi là làm giá (pump-and-dump), hãy đọc tiếp để không trở thành nạn nhân của những phi vụ lừa đảo này. Để trang bị cho bạn những kiến thức cần thiết, hãy cùng tìm hiểu làm giá tiền điện tử là thế nào và cơ chế của những vụ lừa đảo này ra sao.  

Làm giá tiền điện tử là gì?

Làm giá là kiểu lừa đảo sử dụng tới những thông tin sai lệch và cường điệu hóa để thu hút sự chú ý tức thời cho một đồng altcoin, token hoặc một đồng coin vô danh và không có mục đích sử dụng nào. Kẻ lừa đảo thường tích lũy một lượng lớn những đồng coin vô danh khi mức giá còn thấp, sau đó bắt đầu đẩy giá lên bằng việc tiếp thị qua truyền thông xã hội.

Trong quá khứ, các vụ làm giá được lan truyền qua tiếp thị truyền miệng. Ngày nay với sự xuất hiện của mạng internet, hầu hết những thông tin sai lệch được lan truyền qua các nền tảng truyền thông xã hội, các diễn đàn, video và những phương tiện trực tuyến khác. Kẻ lừa đảo cũng bắt tay với những nhà đầu tư có tầm ảnh hưởng bằng cách chia sẻ lợi nhuận để họ cường điệu hóa một ai đó và bơm giá cho một đồng coin đáng ngờ.

Khi giá đạt đỉnh và khi những thông tin sai sự thật đã khiến nhà đầu tư điên cuồng mua vào thì kẻ lừa đảo và những người có tầm ảnh hưởng kia sẽ “bán tống bán tháo” tất cả tiền điện tử của họ và thu về lợi nhuận. Hành động bán tháo này sẽ khiến giá coin lao dốc xuống dưới cả mức giá khởi điểm. Hầu hết những người nắm giữ coin sẽ không thể bán ra kịp và bị mắc kẹt với lượng coin của họ. Điều này có nghĩa là họ không thể bán ra những đồng coin này nữa vì giá giảm quá thấp và phải đối mặt với nguy cơ mất tiền. 

Hãy nhớ rằng có rất nhiều kiểu lừa đảo làm giá, tất cả các chiêu trò này đều bất hợp pháp và phải chịu hình phạt nặng tay nếu bị phát hiện.

Để bạn hiểu rõ hơn về các bước trong một vụ làm giá, ta hãy thử lấy ví dụ. 

Ví dụ về một token (chúng tôi gọi là MoonSoon) được một rapper có tầm ảnh hưởng là Soup Doge quảng cáo trên một bài viết Instagram. Mức giá của MoonSoon tăng vọt nhờ bài viết của Soup Doge. Tuy nhiên chỉ một vài ngày sau, nhà phát triển của đồng coin này bắt đầu bán tháo. Bạn trong vai trò là nhà đầu tư không hề được cảnh báo trước và không thể bán kịp số coin của mình trước khi giá lao dốc. Ngay sau đó tất cả số tiền đầu tư của bạn đã biến mất và đồng MoonSoon cũng vậy. Đây là một ví dụ về cách những người có tầm ảnh hưởng trong giới tiền điện tử đánh lừa nhà đầu tư.

MoonSoon

Cơ chế hoạt động của một phi vụ làm giá như thế nào? 

Câu hỏi cần đặt ra ở đây là: tại sao các vụ làm giá này lại dễ lừa nhà đầu tư tới vậy? Các chiêu trò lừa đảo này đã tồn tại một thời gian, vậy lý do gì mà các vụ làm giá vẫn hấp dẫn được các nhà đầu tư? Đó là bởi chiêu trò này dựa vào FOMO (nỗi sợ bị bỏ lỡ). Khi những thông tin sai lệch được cường điệu hóa và được kể một cách khéo léo, nhà đầu tư sẽ thấy vô cùng hào hứng muốn kiếm tiền và họ ra quyết định đầu tư mà không nghiên cứu nhiều. Họ không muốn bỏ lỡ cơ hội và sẽ hấp tấp mua coin.

Chiêu trò làm giá qua ICO

Để thu lợi nhiều hơn từ các thương vụ làm giá, kẻ lừa đảo thậm chí còn lợi dụng các sự kiện initial coin offerings (ICOs), nói một cách đơn giản thì ICO giống như những cuộc gọi vốn đầu tư vậy. Nhà đầu tư có niềm tin vào một token nào đó và sẽ dốc hầu bao đầu tư cho đồng coin này phát triển. Đổi lại, họ được thưởng các token mới và ICO sẽ sử dụng khoản tiền này để phát triển thêm đồng coin của họ. 

Thật không may rằng không phải tất cả các ICO đều hoạt động như vậy bởi một vài ICO là âm mưu có chủ đích từ trước. Nhiều kẻ lừa đảo nhắm vào nhà đầu tư ICO bởi họ là những người sẵn sàng bỏ tiền đầu tư. Ngoài ra, còn có một số bot gọi là “bot làm giá”, chúng có thể mua và bán coin chỉ trong một vài giây. Thậm chí các bot này vẫn có thể gây ảnh hưởng tới token, nhà đầu tư và mức giá khởi điểm của một ICO chính đáng bằng cách mua và bán thật nhanh. 

Để hiểu hơn về sự khác biệt giữa một ICO an toàn và lừa đảo, bạn cần biết ICO bao gồm những gì. Một ICO điển hình sẽ công bố đầy đủ về sách trắng của họ, bao gồm các phần giới thiệu về dự án, ứng dụng, các yêu cầu để hoàn thành dự án và số tiền cần thiết để đạt mục tiêu.

ICO lừa đảo sẽ có những điềm báo sau:

  • Không có sách trắng
  • Mô hình hoạt động trong sách trắng không thực tế
  • Những cá nhân hoặc tổ chức thực hiện ICO có danh tính giả hoặc là kẻ lừa đảo
  • Bản đồ phát triển của ICO không đủ chi tiết hoặc không rõ ràng
  • Mã của ICO trông khả nghi
  • Khó liên hệ với các nhà phát triển để hỏi đáp

Một số phi vụ làm giá

Giờ khi đã hiểu về các phi vụ làm giá là thế nào, hãy cùng chúng tôi xem một số ví dụ.

  • FaZe Clan và Save the Kids Crypto: Nhiều thành viên trong tổ chức thể thao điện tử FaZe Clan đã hỗ trợ cho một đồng altcoin mới: Save the Kids. Họ quảng cáo cho đồng tiền điện tử này thông qua một chuỗi các dòng Tweet và video. Cộng đồng đã tin tưởng và mua đồng coin này, tuy nhiên chỉ một vài ngày sau đó, giá của altcoin này đã tụt 60%. Các thành viên trong nhóm FaZe Clan đã đầu tư vào Save the Kids, sau đó họ rút sạch tiền và để mặc các nhà đầu tư. Mặc dù các thành viên chối bỏ cáo buộc này, tuy nhiên đồng tiền điện tử Save the Kids hội đủ các yếu tố của một thương vụ làm giá. Kể từ đó, các thành viên có liên quan đã bị đình chỉ hoặc loại bỏ khỏi FaZe Clan.
  • Tana Mongeau và TitsCoin: Người có tầm ảnh hưởng Tana Mongeau đã làm điều tương tự với FaZe Clan khi cô quảng bá cho đồng coin của mình trên story của instagram. Tóm lại, đồng coin này cũng là một thương vụ lừa đảo. Nói cách khác, cô ấy đã đầu tư và quảng bá cho đồng coin khả nghi này, sau đó rút hết tiền khi giá đạt đỉnh. 

Cách tránh những phi vụ làm giá trong lĩnh vực tiền điện tử

Chúng ta đã đề cập tới các ví dụ, những điềm báo bất thường và cơ chế của kiểu lừa đảo làm giá này. Giờ hãy cùng chúng tôi tìm hiểu cách phòng chống những vụ lừa đảo này. Hãy tham khảo những lời khuyên sau đây để bảo vệ tài sản quý giá của bạn.

  • Tự tìm hiểu 

Để lật tẩy các chiêu trò làm giá, bạn cần tự mình tìm hiểu. Nếu muốn biết đồng altcoin nào không đáng tin, hãy thử xem sách trắng và tự tìm hiểu về công ty đứng sau token đó. 

  • Nếu mọi thứ quá dễ dàng…

Mặc dù cũng có trường hợp ngoại lệ, tuy nhiên những cơ hội quá tốt thường không thực sự đáng tin. Hãy cẩn thận với những lời đề nghị hào nhoáng và kiểm tra kỹ mọi thông tin về đồng tiền điện tử.

  • Hãy đa nghi một chút

Mục tiêu của một vụ lừa đảo làm giá là thu hút nhà đầu tư, bởi vậy họ sẽ sử dụng tới marketing và thông cáo báo chí. Ngoài ra nhà phát triển cũng có thể tạo ra các trang web và tài khoản mạng xã hội giả mạo một cách dễ dàng, bởi vậy đừng hồ đồ tin 100% những lời họ nói. Hãy tìm hiểu về nguồn tin với tâm thế đa nghi một chút. Hãy tìm một nguồn tin uy tín trước khi ra bất cứ quyết định đầu tư nào.

  • Tránh những đồng tiền điện tử trên diễn đàn /r/CryptoMoonShots

Nếu đồng tiền điện tử hoặc dự án bạn muốn đầu tư vào được quảng bá trên diễn đàn reddit đó thì khả năng cao đó là một vụ lừa đảo. CryptoMoonShots chỉ phục vụ mục đích duy nhất là quảng bá cho những đồng coin không tốt, là nơi lặp đi lặp lại thông tin về bạt ngàn các đồng coin. Ngoài ra, hãy tránh xa những coin có tên kiểu như “elon”, “safe” hoặc “moon”.

  • Nhận biết sớm một vụ lừa đảo làm giá

Một trong những cách tốt nhất để tránh kiểu lừa đảo này là sớm nhận biết chúng. Hãy đọc cẩn thận về các điềm báo chúng tôi đề cập trong bài viết và cân nhắc xem đồng coin bạn muốn đầu tư có như vậy hay không. 

  • Tìm hiểu về đội ngũ đằng sau dự án

Tìm hiểu về các nhà phát triển để đánh giá kỹ năng và kinh nghiệm của họ, đồng thời bạn cũng tự tin hơn khi biết rằng họ không che giấu hay giả mạo ai cả. Hầu hết các dự án trên chuỗi khối đều đăng ảnh và đường dẫn tới các trang LinkedIn cá nhân của đội ngũ nhà phát triển trên trang web của họ để chứng minh tính chính đáng của dự án. Điều này có nghĩa là trong trường hợp xảy ra làm giá, bạn biết rõ ai là người chịu trách nhiệm. 

Hãy đảm bảo an toàn của bạn khi tham gia vào lĩnh vực tiền điện tử

Lĩnh vực tiền điện tử và altcoin rất mới mẻ và đang phát triển, do đó nhà đầu tư phải đối mặt với nhiều loại hình lừa đảo. Hãy luôn đề phòng và phòng tránh các phi vụ lừa đảo dù cho có là làm giá hay bất cứ thể loại nào khác đi chăng nữa. 

Tuy nhiên, đừng để những thành phần xấu này ngăn cản bạn tham gia vào lĩnh vực tiền điện tử. Còn vô vàn các công ty an toàn tuyệt vời khác trong lĩnh vực này. Hãy đảm bảo rằng bạn kiểm tra kỹ càng tất cả thông tin về họ trước khi ra quyết định đầu tư. Hãy nhớ rằng: hãy cẩn trọng, khôn khéo và quan trọng nhất là tự nghiên cứu và tìm hiểu. 

*Nội dung này chỉ phục vụ mục đích cung cấp thông tin. Bạn không nên coi bất cứ thông tin hoặc tài liệu nào như lời khuyên về mặt pháp lý, thuế, đầu tư, tài chính hoặc bất cứ tư vấn nào khác. Bạn nên tự kiểm chứng các dữ kiện và sự kiện trong bài viết và có thể tìm lời khuyên từ chuyên gia trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào.