Cùng với sự phát triển của Bitcoin (BTC), cách nhà đầu tư giao dịch cũng tiến bộ hơn rất nhiều. Nhà đầu tư luôn hướng tới những phương pháp mới để giao dịch thuận tiện, đảm bảo, và trong trường hợp này là linh hoạt hơn.

Bởi vậy, sàn giao dịch Bitcoin ngang hàng (P2P) đã ra đời. Vậy chúng là gì và hoạt động như thế nào? Những sàn giao dịch này thay thế cho điều gì?

Nếu bạn đang muốn mua BTC và vẫn băn khoăn không biết cách làm thế nào, bạn rất may mắn đấy vì chúng tôi sẽ phân tích và giải thích thắc mắc của bạn trong bài viết này.

Sàn giao dịch Bitcoin truyền thống: tiếp tục sử dụng nếu vẫn hiệu quả

Chúng tôi biết bạn đang suy nghĩ rằng: làm thế nào mà các sàn giao dịch Bitcoin có thể “truyền thống” khi mà loại tài sản điện tử này không hề có gì là truyền thống mà trái lại lại vô cùng tân tiến?

Những nền tảng này được gọi là sàn giao dịch Bitcoin truyền thống vì chúng đã tồn tại từ khi Bitcoin ra đời. Sàn giao dịch đầu tiên từng xuất hiện là Bitcoinmarket (hiện không còn tồn tại) đã ra đời vào năm 2010, một năm sau khi Satoshi Nakamoto giới thiệu Bitcoin. Đó là lần đầu tiên Bitcoin được coi như một loại hàng hóa, chúng đã thiết lập nên một thị trường có thể coi là nền móng để Bitcoin tiếp tục phát triển sau này.

Đó là lý do chúng tôi gọi các sàn giao dịch này là truyền thống. Những nền tảng này đã được thử nghiệm và kiểm tra. Cho tới tận ngày nay, chúng vẫn là một trong những cách phổ biến nhất để mua Bitcoin.

Vậy những sàn này vận hành như thế nào? Rất đơn giản. Họ chủ yếu hoạt động thông qua danh sách đặt lệnh mua/bán để kết nối người bán và người mua. Chúng là những danh sách điện tử hiển thị các đề nghị mua và bán để bạn có thể dễ dàng tìm và giao dịch. Từ đó, tất cả những gì bạn cần làm là lựa chọn đề nghị ưa thích và nền tảng sẽ giúp bạn hoàn thiện giao dịch. Trong trường hợp này, nền tảng có vai trò như bên trung gian giữa bạn và người bán.

Để đơn giản hóa các thủ tục hơn nữa, nền tảng truyền thống thường kết nối tài khoản ngân hàng của người dùng tới tài khoản giao dịch của họ. Từ đó, người dùng có thể thực hiện các giao dịch dễ dàng, nhanh và hợp lý hơn.

Đó là cách nền tảng truyền thống hoạt động. Việc sử dụng chúng là vô cùng dễ dàng và bởi vậy, dường như sàn giao dịch truyền thống có sức hút hơn với những nhà đầu tư mới tham gia vào lĩnh vực bitcoin. Tuy nhiên, còn có nhiều sàn giao dịch bitcoin phổ biến khác trên thị trường.

Sàn giao dịch Bitcoin ngang hàng và cá nhân hóa giao dịch

Mặc dù các sàn giao dịch Bitcoin ngang hàng chỉ mới xuất hiện trên thị trường, chúng ngày càng phổ biến hơn trong những năm trở lại đây. Tại sao? Bởi bạn có thể tùy chỉnh giao dịch của mình và tương tác với người thực.

Giống như những nền tảng đi trước, chợ điện tử Bitcoin ngang hàng sử dụng danh sách đặt lệnh mua/bán để kết nối người bán và người mua. Tuy nhiên, đó là điểm tương đồng duy nhất giữa sàn ngang hàng và sàn truyền thống. Thay vì đứng ra làm trung gian cho người mua và người bán, chợ điện tử ngang hàng chỉ can thiệp trong trường hợp xảy ra tranh chấp. Điều này có nghìa là người mua và bán có thể tự hoàn thiện giao dịch.

Đọc tới đây, có thể bạn đang nghĩ là: “Vậy thì sử dụng sàn giao dịch Bitcoin truyền thống có phải dễ hơn không, các sàn này hỗ trợ mình trực tiếp cơ mà?” Không thể phủ nhận điều này, sử dụng sàn giao dịch truyền thống là đơn giản hơn. Tuy nhiên thông qua việc cho phép người mua và bán tự hoàn thành giao dịch, chợ điện tử Bitcoin ngang hàng mang đến nhiều hình thức thanh toán cực kỳ linh hoạt cho nhà đầu tư.

Điều này có nghĩa là gì? Giả sử bạn đang muốn bán chiếc bút bi của mình và bạn bắt đầu nhận được đề nghị mua từ những người mong muốn sở hữu chiếc bút. Một số người đề nghị mua bằng tiền mặt, số khác lại đề nghị giao dịch các vật phẩm khác như tẩy, bút chì. Tại thời điểm đó, bạn có cơ hội lựa chọn cách muốn được thanh toán.

Từ góc nhìn của người mua, họ có cơ hội sở hữu chiếc bút bi mà không phải trả tiền mặt. Nguyên tắc tương tự cũng áp dụng cho các chợ điện tử Bitcoin ngang hàng. Bạn muốn mua BTC? Có rất nhiều người bán BTC trên những nền tảng này sẵn sàng nhận thanh toán qua tiền mặt, ví trực tuyến và thậm chí là cả thẻ quà tặng. Có phải bạn đang muốn bán BTC? Bạn muốn đổi BTC lấy thứ gì vậy?

Về cơ bản, bạn có thể chi trả với bất cứ thứ gì mà người bán chấp nhận. Đó là cách mà chợ điện tử Bitcoin ngang hàng hoạt động. Thông thường, có hàng trăm phương thức thanh toán để lựa chọn. Bạn thấy không? Sự linh hoạt tối đa.

Ngoài sự linh hoạt, chợ điện tử còn có các giao thức bảo mật khác để bảo vệ nhà đầu tư, ví dụ như khế ước lưu giữ. Khế ước lưu giữ là dịch vụ bên thứ ba, giúp nắm giữ khoản BTC đã giao kèo trong giao dịch cho tới khi người bán BTC được thanh toán. Sau khi người bán được thanh toán, họ có thể giải ngân BTC từ khế ước lưu giữ và giao dịch sẽ hoàn thành. Những dịch vụ này bảo vệ giao dịch cho cả bên mua và bán, tạo ra một môi trường giao dịch an toàn hơn cho tất cả mọi người.

Sàn giao dịch nào phù hợp với bạn?

Chúng tôi đã phân tích cho bạn một số điểm mạnh của mỗi nền tảng giao dịch, tuy nhiên hãy tìm hiểu sâu hơn một chút. Chúng tôi sẽ đặt hai sàn giao dịch này lên bàn cân với bốn tiêu chí: mức giá, tốc độ, độ dễ sử dụng và tiếp cận.

Cảnh báo: sẽ có một vài con dao hai lưỡi được đề cập tới.

Điều đầu tiên bạn cần cân nhắc khi lựa chọn giữa hai nền tảng là mức giá, cách mà cả hai nền tảng này tính phí khác nhau như thế nào. Chúng tôi đã đề cập tới việc các sàn giao dịch Bitcoin truyền thống nhìn chung là hấp dẫn hơn đối với những nhà đâu tư mới chân ướt chân ráo tham gia vào lĩnh vực này, bởi nền tảng này đóng vai trò là trung gian và hỗ trợ người dùng ở tất cả các bước.

Bởi vậy, nền tảng này sẽ thu một vài khoản phí cho sự giúp đỡ này (con dao hai lưỡi thứ nhất). Mặc dù nền tảng ngang hàng không thu phí sử dụng, họ cũng có một khoản phí khế ước lưu giữ (con dao hai lưỡi thứ hai). Các khoản phí này thay đổi tùy thuộc vào từng nền tảng, tuy nhiên nhìn chung thì chúng không quá cao.

Tiếp theo, hãy bàn tới tốc độ. Một lần nữa, vai trò trung gian lại thể hiện được thế mạnh của mình. Bởi vì đã có nền tảng hỗ trợ, các giao dịch được thực hiện nhanh hơn trên sàn giao dịch truyền thống. Ngoài ra nhờ có liên kết giữa ngân hàng và tài khoản giao dịch, các khoản thanh toán cũng đơn giản hơn rất nhiều. Tốc độ xử lý giao dịch trên chợ điện tử Bitcoin ngang hàng không hề chậm. Mặc dù nếu so sánh tốc độ của hai nền tảng thì sàn giao dịch truyền thống có thể nhỉnh hơn một chút.

Chúng ta đã đề cập tới mức giá và tốc độ, vậy thì tiêu chí dễ sử dụng thì sao? Có thể thấy ngay là các sàn giao dịch Bitcoin truyền thống nắm giữ lợi thế với vai trò là trung gian và liên kết với các tài khoản ngân hàng, vân vân. Chợ điện tử Bitcoin ngang hàng có thể phức tạp hơn nếu so sánh với bậc đàn anh của chúng, tuy nhiên việc làm quen và sử dụng các nền tảng này cũng không quá khó. Khi đã biết cơ chế hoạt động của nền tảng ngang hàng, bạn sẽ giao dịch vô cùng nhanh chóng.

Hãy xét tới tiêu chí cuối cùng: dễ tiếp cận và sử dụng. Sau đây là con dao hai lưỡi thứ ba: kêt nối giữa ngân hàng và tài khoản giao dịch. Nếu bạn sở hữu một tài khoản ngân hàng thì tuyệt vời! Bạn sẽ dễ dàng truy cập được vào một sàn giao dịch bitcoin truyền thống. Tuy nhiên, có những người không thể kết nối theo cách đơn giản nhất này.

Chợ điện tử Bitcoin ngang hàng mang lại giải pháp cho những ai không sử dụng/ không tiếp cận được với dịch vụ ngân hàng. Đây cũng là một giải pháp thay thế hiệu quả đối với những người không muốn liên kết tài khoản của họ với sàn giao dịch.

Giao dịch theo CÁCH CỦA BẠN

Đánh giá dựa trên lợi ích và hạn chế của hai nền tảng, chúng ta có thể kết luận rằng không có một sàn nào tốt hơn hẳn sàn còn lại. Việc nền tảng nào tốt hơn phụ thuộc vào cách bạn muốn giao dịch thế nào.

Khi lựa chọn giữa hai nền tảng, hãy thử tự hỏi bản thân mình:

“Liệu tôi có muốn thực hiện giao dịch có tính cá nhân hóa cao hơn không?”

“Khi giao dịch, tôi sẽ sử dụng phương pháp thanh toán nào nhiều nhất?

“Phong cách giao dịch của tôi là gì?

Cả hai nền tảng này đều là lựa chọn tuyệt vời, tuy nhiên nền tảng nào hiệu quả lại phụ thuộc vào bạn. Điều tốt nhất lúc này là bắt tay vào tìm hiểu và thử sử dụng chúng. Bạn có thể thử cả hai nền tảng với lượng tiền ít nhất có thể, nhằm nắm được cơ chế vận hành của chúng. Sau khi cảm thấy thoải mái với một nền tảng, bạn có thể bắt đầu mở rộng hoạt động giao dịch của mình.

Không có bất cứ cách giao dịch nào là bất biến và phải làm theo cả. Sau cùng thì bạn là người bỏ ra khoản tiền và bởi vậy, bạn phải là người quyết định sử dụng chúng theo ý mình. Mỗi người đều có sở thích của riêng mình và điều này cũng áp dụng với việc lựa chọn sàn giao dịch Bitcoin. Quá trình khám phá các lựa chọn có thể đôi lúc lại là phần thú vị nhất khi giao dịch. Đừng e ngại, hãy tự tin vững bước!