Với những tân binh mới tham gia vào lĩnh vực này, việc giao dịch Bitcoin có thể là một thế giới hoàn toàn mới mẻ (giống như bài A Whole New World trong Aladdin vậy).

Tuy nhiên, giao dịch Bitcoin dễ hơn những gì bạn tưởng đấy. Tất cả những gì bạn cần để có thể bắt đầu là sở hữu một ví Bitcoin, tinh thần sẵn sàng học hỏi về quy trình giao dịch, và sự nhiệt huyết bùng cháy về hệ thống tiền điện tử ngang hàng ưa thích của chúng ta.

Bắt đầu

Phân tích một cách đơn giản thì quy trình giao dịch có thể được chia làm ba bước chính:

  • Tạo một tài khoản – Tìm kiếm một nền tảng giao dịch Bitcoin phù hợp với phong cách giao dịch của bạn. Sau đó, bạn có thể tạo một tài khoản. Ở một vài nền tảng, bạn thậm chí còn nhận được một ví Bitcoin miễn phí sau khi đăng ký.
  • Xác minh ID của bạn – Hầu hết các nền tảng ngày nay đều yêu cầu bạn xác minh ID để đảm bảo an toàn cho cả bên mua và bên bán. Xin đừng lo lắng, tất cả những yêu cầu này đều là những giao thức mạng.
  • Bắt đầu giao dịch – Sau khi thiết lập tài khoản với tất cả thông tin cần thiết và xác minh, bạn có thể bắt đầu giao dịch. Hãy phân tích thật cẩn thận mỗi đề nghị và lựa chọn đề nghị phù hợp nhất với nhu cầu của bạn!

Và chúc mừng! Giờ bạn đã hiểu cách giao dịch Bitcoin hoạt động ở mức nền tảng nhất. Tuy nhiên, đối với những cá nhân đam mê tiền điện tử, bạn biết rằng giao dịch Bitcoin không thể chỉ đơn giản như vậy.

Một số điều bạn nên cân nhắc khi giao dịch Bitcoin

Rõ ràng là những bước trên chỉ là phần nổi của tảng băng. Khi bàn luận về giao dịch Bitcoin, luôn luôn có những kiến thức sâu xa hơn rất nhiều. Hãy điểm qua một vài điều đáng chú ý mà bạn cần biết trước khi bắt đầu.

Danh sách lệnh mua/bán và tính thanh khoản

Danh sách lệnh mua/bán là nền tảng của hầu hết các sàn giao dịch BTC trên thị trường. Danh sách điện tử này hiển thị cả đề nghị mua và bán và sắp xếp chúng để bạn có thể lựa chọn.

Tính thanh khoản có nghĩa là khả năng một tài sản lưu chuyển từ nhà đầu tư này tới nhà đầu tư khác. Tài sản trong trường hợp này là Bitcoin. Bitcoin có khả năng lưu chuyển giữa người mua và bán đủ nhanh để không bị ảnh hưởng bởi biến động tỷ giá. Về căn bản, tài sản càng có tính thanh khoản cao thì chúng càng ít bị ảnh hưởng bởi các kế hoạch làm giá/bơm thổi giá. Với kiểu lừa đảo này, nhà đầu tư hợp tác với nhau để thao túng mức giả của một loại tài sản cụ thể.

Cung và cầu Bitcoin

Chuyển qua kinh tế học căn bản, hãy cùng xem cung và cầu có thể ảnh hưởng tới giá Bitcoin như thế nào.

Khi Bitcoin được Satoshi Nakamoto tại ra vào năm 2009, nguồn cung của chúng được thiết kế ở ngưỡng 21 triệu. Chúng tôi biết rằng bạn đang nghĩ: “21 triệu BTC là rất nhiều“, đúng là vậy. Đó là một con số khổng lồ. Tuy nhiên, bạn sẽ cảm thấy con số này bỗng nhiên thật nhỏ bé và sắp cạn kiệt khi biết gần 90% của 21 triệu này đã được khai thác chỉ hơn một thập kỷ sau khi BTC được tạo ra.

Không ai biết chắc chắn điều gì sẽ xảy ra khi nguồn cung cạn kiệt. Tuy nhiên căn cứ vào quy luật cung và cầu, các nhà kinh tế học cho rằng tỷ giá có thể tăng.

Giờ hãy bàn luận về nguồn cầu. Khi Bitcoin ra mắt thế giới vào năm 2009, không ai biết về loại tiền này. Bitcoin gặp nhiều trắc trở, nhiều nốt thăng trầm trong khoảng thời gian đó, tuy nhiên chúng ta đã vượt qua giai đoạn đó rồi.

Tua nhanh tới hơn 11 năm sau: giờ đây dường như ngày càng có nhiều cộng đồng uy tín tin tưởng vào Bitcoin. Bên cạnh việc Bitcoin ngày càng có nhiều ứng dụng trong thực tế hơn, đồng tiền này không còn chỉ là một công cụ đầu tư mà có thể được sử dụng trong cuộc sống thường nhật. Tại thời điểm viết bài này, mức giá BTC đang ở mức 12.000 USD, đây không phải là mức giá cao nhất mà Bitcoin từng đạt được, tuy nhiên đây vẫn là số tiền khổng lồ so với thời điểm đồng tiền này mới ra đời và điều đó cho thấy nguồn cầu của Bitcoin vẫn vô cùng cao. Về câu hỏi nguồn cầu sẽ bị ảnh hưởng thế nào khi nguồn cung cạn kiệt, chỉ thời gian mới có thể trả lời chúng ta.

Chiến thuật giao dịch Bitcoin

Bạn muốn giao dịch tiền điện tử của mình như thế nào? Hãy cùng xem một số chiến thuật phổ biến nhất dưới đây và tự đưa ra quyết định.

  • HODLing – “HODLing” chắc chắn là chiến thuật mà nhiều người mới bắt đầu biết tới nhất. Đây là chiến thuật mà nhà đầu tư sẽ mua bitcoin ở mức giá thấp, sau đó lưu trữ tiền cho tới khi đạt tỷ giá mong muốn. Họ không quan tâm tới việc tỷ giá tăng hay giảm trong quá trình lưu trữ.
  • Giao dịch trong ngày – Chiến thuật giao dịch trong ngày sử dụng những giao dịch ngắn hạn và nhanh chóng để thu về những khoản lợi nhuận nhỏ, từ đó tạo ra lợi nhuận tích lũy vào cuối ngày. Tới cuối ngày giao dịch, bạn nên đóng tất cả các vị thế còn đang hoạt động.
  • Lướt sóng – Lướt sóng là một phiên bản mở rộng của giao dịch trong ngày, nhà đầu tư lướt sóng đôi lúc có thể thực hiện hơn một trăm giao dịch mỗi ngày, kiếm lợi nhuận cực nhỏ để tích tiểu thành đại.
  • Mua bán xen kẽ – Nhà đầu tư lựa chọn chiến thuật này sẽ phân tích xu hướng thị trường và quyết định dựa vào đó. Giống như những nhà đầu tư thực hiện HODL, họ có thể mua tỷ giá thấp và lưu trữ cho tới khi thấy tỷ giá tăng lại. Tuy nhiên, thời gian lưu giữ của một nhà đầu tư xen kẽ không lâu như của một nhà đầu tư HODL.
  • Giao dịch ngang hàng (P2P) – Theo cách nào đó, giao dịch ngang hàng sẽ khắc phục sự biến động tỷ giá, giúp nhà đầu tư kiếm tiền dựa trên tỷ lệ phần trăm trên nền tảng. Bằng cách mua ở mức giá thấp và bán lại khi giá cao, bạn có thể thu lợi nhuận dù cho mức giá BTC có như thế nào. Với hàng trăm phương thức thanh toán khả dụng, bạn cũng có thể kiếm tiền nhiều hơn với các tùy chọn thanh toán ít phổ biến hơn.

Nếu chưa chắc nên sử dụng chiến lược nào, bạn luôn có thể thử nghiệm chúng với các khoản tiền nhỏ. Từ đó, bạn có thể trải nghiệm và hiểu cách mỗi kỹ thuật này hoạt động ra sao. Sau khi tìm thấy một kỹ thuật phù hợp, bạn có thể quyết định đầu tư với khoản tiền lớn hơn.

Sử dụng cắt lỗ

Cắt lỗ có thể là phương pháp mà nhiều nhà đầu tư tiền điện tử sử dụng nhất. Những lệnh này được thiết kế để hạn chế lượng tiền mà bạn sẽ mất/thu được. Ví dụ, bạn có thể đặt lệnh cắt lỗ thấp hơn 20% đối với mức giá của tài sản vừa mua. Đổi lại, tài sản sẽ tự động chuyển thành tiền khi rơi xuống mức lỗ 20%, từ đó bảo vệ bạn khỏi những khoản thua lỗ có thể xảy ra sau đó.

Mặc dù có vẻ như chúng giống như một phương án an toàn khi giao dịch, bạn không nên sử dụng tính năng cắt lỗ như vậy. Cắt lỗ là một cơ chế phức tạp, có thể trở thành chính sách bảo hiểm khi được thiết lập cẩn thận và sử dụng đúng đắn. Việc sử dụng cắt lỗ lên những tài sản ngẫu nhiên mà không thật sự hiểu mục đích và ứng dụng của cơ chế này có thể dẫn tới những tổn thất nặng nề. Hãy tìm hiểu về cắt lỗ trước khi sử dụng chúng.

Các thị trường lên giá và mất giá

Một thứ mà bạn phải cân nhắc khi giao dịch Bitcoin là tâm lý nhà đầu tư có thể ảnh hưởng tới thị trường. Các thị trường lên giá và mất giá có thể thay đổi dựa trên cách nhà đầu tư suy nghĩ.

Thị trường mất giá là thị trường đang trải qua xu hướng giảm giá. Đối với một số người, điều này có nghĩa là giá trị tài sản sẽ giảm 20% trong 60 ngày hoặc lâu hơn, tuy nhiên những con số này không chính xác 100%. Điều đó có thể dẫn tới tâm lý tiêu cực hơn đối với thị trường và các khoản đầu tư thận trọng hơn.

Thị trường tăng giá thì ngược lại. Thay vì các đợt rớt giá nhanh, thị trường này có xu hướng tăng giá. Thay vì các khoản đầu tư thận trọng, thị trường này và cả những nhà đầu tư đều có thái độ tích cực.

Phân tích thị trường

Nói tới việc đọc xu hướng thị trường và nhận định về xu hướng phát triển của chúng, có hai trường phái phân tích: phân tích kỹ thuật và phân tích cơ bản.

  • Phân tích kỹ thuật – Những người thực hiện phân tích kỹ thuật nghĩ rằng thị trường sẽ lặp lại những xu hướng trong lịch sử. Để dự đoán xu hướng tương lai của thị trường, họ nhìn nhận vào dữ liệu lịch sử như khối lượng giao dịch, xu hướng tỷ giá trong quá khứ và các dữ liệu có liên quan khác. Họ tìm kiếm những xu hướng có tính lặp đi lặp lại. Sau khi tìm thấy mô hình lặp, họ có thể đưa ra những dự đoán có tính toán dựa trên xu hướng tăng giảm của thị trường.
  • Phân tích cơ bản – Những người thực hiện phân tích căn bản cân nhắc nhiều hơn tới “bức tranh tổng quan” khi phân tích thị trường. Thay vì sử dụng số liệu thống kê, họ nhìn vào giá trị nội tại của tài sản. Nếu nhìn nhận rằng có một đồng tiền nào đó đang bị đánh giá thấp trên thị trường, họ sẽ mua đồng tiền đó và hy vọng rằng giá trị của chúng sẽ cải thiện.

Mỗi phương pháp phân tích đều đại diện cho một phong cách giao dịch. Trong bối cảnh thị trường rất khó dự đoán, không có cách nào để chắc chắn có được câu trả lời cho thắc mắc của bạn. Tất cả đều phụ thuộc vào lựa chọn của bạn, bạn muốn sử dụng trường phái nào hơn.

Hãy dấn thân và thành công

Hy vọng rằng sau khi đã ghi nhớ những yếu tố và thông tin quan trọng này, bạn có thể sử dụng chúng như bàn đạp để bước đầu trở thành một nhà đầu tư tiền điện tử chững chạc hơn.

Trong lĩnh vực này, kiến thức chính là sức mạnh. Tất cả chúng ta đều đang học hỏi từ quá trình giao dịch của mình, bởi vậy bạn chỉ có thể cảm thấy an toàn khi thực hiện giao dịch khi coi chúng là những trải nghiệm học hỏi. Đừng quá day dứt về những lần thua lỗ mà hãy tiếp tục tiến lên.

Richard Branson, một nhà đầu tư nổi tiếng trong lĩnh vực này từng nói:

“Bạn không học cách bước đi khi làm theo các quy tắc. Bạn học thông qua thực hành và vấp ngã nhiều lần.”

Sau cùng thì chúng ta đều đang chấp nhận rủi ro, hãy cố gắng và tận dụng cơ hội của mình.

Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Thông tin cung cấp trong bài viết không nhằm mục đích cung cấp những tư vấn đầu tư, tài chính hoặc cung cấp lời khuyên trong những lĩnh vực khác.